Thanh Xuân 18 [3] – Hành trình Kansai

Đã không thể có một chuyến đi đến tận Hiroshima như dự kiến…

Kyoto – vùng đất cố đô

Đến Kyoto vào một chiều mùa đông, khi cơn mua bụi phất phơ và cái lạnh vài độ C phảng phất trong không khí. Cả ngày hôm nay gần như chỉ dành cho di chuyển, sáng sớm tinh mơ đã dậy chuẩn bị đồ, rồi thêm gần chục tiếng đồng hồ trên tàu, vật vờ như cái xác không hồn vì thiếu ngủ.

org_dsc00308

Nhưng khác với cái danh cố đô, ở nơi đây vẫn có nét gì đó hơi hướng hiện đại. Không phải là một thành phố cổ kính đến đắm say như tôi vẫn hay nghĩ. Hoặc chăng nét cổ kính ấy lẩn khuất đâu đây – thứ mà tôi không thể dễ dàng nhận ra chỉ bằng cảm nhận phiến diện này được.

Kyoto nổi tiếng với những ngôi chùa cổ kính, và với khoảng thời gian khá là eo hẹp (đến Kyoto thì cũng đã gần 3 giờ và còn mất thêm thời gian đi ăn trựa) nên những địa danh nổi tiếng bậc nhất ở nơi này như Chùa Vàng, Rừng Trúc là hoàn toàn không thể ghé thăm, chỉ ngồi chép miệng ngắm ảnh ở ga vậy.

org_dsc00316

org_dsc00309

Cũng may thay, gần ga cũng có một vài ngôi chùa lớn mà mình có cơ hội ghé thăm. Tuy có thể không ấn tượng bằng những ngôi chùa nổi tiếng khác, nhưng một phần vẻ đẹp, một phần lịch sử của vùng đất này nằm ở những mái cong đó. Trong buổi chiều tà, ánh nắng muộn màng phủ kín từng mái hiên, thì nét u buồn từ đâu chợt ùa về – đó chính là những gì mà mình đã từng nghĩ về Kyoto và có lẽ Kyoto cũng vẫn luôn mang nét uy nghiêm sầu mặc trong suốt hàng trăm năm qua vậy.

Trời tối khá nhanh, chỉ gần 5 giờ mà mọi thứ đã trở nên mờ mịt. Hành trình tìm nơi trú chân quả thực tốn nhiều sức lực, mình đi khắp các ngóc ngách quanh ga với mong muốn tìm một nhà trọ hợp với túi tiền (và hợp cả với nguyện vọng của một anh sẽ đến ngủ cùng) mà có đôi chút khó khăn. Mùa du lịch, phòng hết rất nhanh, hơn nữa Booking.com dường như có chút gì đó lừa dối mình (cười!). Phải đến gần 7 giờ tối, sau khi chân trùn gối mỏi thì đã chọn được một phòng nghỉ kiểu Nhật khá là ưng ý.

Tối hôm đó, trong buổi tối duy nhất có bạn đồng hành trên hành trình này, hai anh em nhâm nhi rượu sake và ăn sashimi, rồi “chém” trên trời dưới bể về chuyến đi sắp tới. Mình thực sự rất nể phục sức bền của người anh sinh năm 87 ấy. Khác với sự yếu đuối này, mai anh ấy sẽ đi Fukuoka và bắt phà sang Busan – Hàn Quốc. Không biết là vì 5kg kim chi hay cô người yêu xinh như mộng nữa :))

Lạc lối ở Oosaka

Rộng thật đấy – là những suy nghĩ đầu tiên khi đặt chân đến ga Oosaka, thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản. Dù có thể mình thực sự là người không tốt lắm ở khoản xác định phương hướng, nhưng rối trí đến mức không biết đi đâu hay làm gì đầu tiên thì quả là hiếm gặp ở mình.

Sau cái sự choáng ngợp, vài phút tĩnh tâm và nghiên cứu kỹ càng thông tin trên Internet, thì điều đầu tiên mình làm gửi balo ở lại ga, sau đó là tìm mua vé Enjoy Eco Card – vé giúp bạn đi một số loại phương tiên và giảm đôi ba vé thăm quan những địa danh ở Oosaka. Mất kha khá thời gian để giải quyết hai việc này vì chúng ở hai nơi cách xa nhau, và quan trọng hơn là mình còn chả biết nó ở đâu (cười!).

Đến Oosaka thì nơi mình muốn đến nhất chính là sân bóng chày Koushien. Chắc hẳn ai yêu thích những trang truyện của Adachi sẽ đều biết đến giấc mơ Koushien hay gần gũi hơn là “Bóng ma Koushien” – tập 19 Conan. Hình ảnh về sân bóng vĩ đại, ước mơ học trò của bao cô cậu bé nằm gọn ở nơi đó.

Từ ga Oosaka đến Koushien khá tiện đường, mình ngay lập tức lên tàu và bắt đầu hành trình mơ ước. Và có lẽ giống như mình, đã có rất nhiều người đến nơi đây và ghi lại những thước phim, chụp những bức ảnh đã từng là một phần ký ức, kỉ niệm thuở xưa. Vào một ngày thứ năm, không có bất cứ một hoạt động nào ở Sân vận động này nhưng vẫn hút kha khá khách du lịch đến nơi đây.

Koushien vẫn rất hiên ngang, bóng sân ngả xuống mặt đường một màu bi tráng. Mình đứng ở đó, rất lâu, lắng nghe tiếng gió, hít vào phổi thứ không khí căng tràn sức sống và mãnh liệt sự khát khao. Liệu có một ngày đứng trong sân vận động đó – chắc khó, vì mình đọc bao truyện về bóng chày mà vẫn chả hiểu gì về luật chơi cả @.@!

org_dsc00326

Sau Koushien, mình dự định sẽ đi luôn Thành Oosaka, nhưng vì sự nài nỉ mãnh liệt của “công chúa” ở nhà nên đành thêm một địa điểm nữa là Thủy cung Oosaka và có lẽ đây là lựa chọn sáng suốt. Phải nói là Thủy Cung ở đây rất tráng lệ, mình nhớ không lầm là đến tận 4 tầng, vô cùng rộng lớn và đa dạng với vô số loài sinh vật từ quen thuộc đến kỳ lạ của biển cả. Ở Việt Nam mình chưa có cơ hội đi thủy cung ở Times hay Viện Hải dương học Nha Trang, nhưng nếu so về sự đồ sộ thì chắc chắn Oosaka chỉ có hơn chứ không thể kém.

Tuy nhiên, cũng vì đẹp đến vậy nên đông khách du lịch là điều hiển nhiên rồi. Do đó, điểm trừ duy nhất là phải chen chúc nhau đế ngắm những đàn cá bơi lội thành vòng, những chú cá heo, hải cẩu chơi đùa dưới nước. Hoặc những khu sinh vật đáng yêu thì nhộn nhịp tiếng vui đùa của trẻ thơ. Ở đó, những chú cá đa sắc màu với cái tên mà các bé gọi là Nemo luôn thu hút sự chú ý của mọi người.

org_dsc00368org_dsc00366org_dsc00343org_dsc00354

Thủy cung Oosaka không nặng nề về mặt học thuật, những lời giải thích về sinh vật biển đơn giản, không hề dài dòng. Nó đơn giản là thỏa mãn niềm yêu thích và sự tò mò của con người với thế giới đại dương, với một màu xanh đẹp đẽ.

Hết Thủy cung thì trời cũng bắt đầu tắt nắng, mình vội vã di chuyển về phía Thành cổ Oosaka. Nó nằm trong khuôn viên một công viên rộng lớn, với những hàng cây “đã từng” có lá đỏ rất đẹp. Hèn chi đây là một trong những nơi ngắm lá đỏ đẹp nhất trên đất nước Nhật Bản, nếu có cơ hội trở lại nơi đây vào một ngày tháng 11 thì tuyệt quá!.

Cũng như thành cổ Shizuoka nhưng có phần tráng lệ hơn, nghe đồn thành Oosaka còn là nơi cao nhất và có thể ngắm toàn thành phố. Mình đã không đi vào quá sâu vì nếu xếp hàng mua vé chắc phải đến tối. Thay vào đó, dành thời gian lang thang trong công viên và rồi bị trẹo chân (T_T!).

org_dsc00404

Lê đôi chân cà nhắc đấy đi tìm nhà nghỉ cũng quả là cực nhọc, chưa kể đến việc tìm được chỗ mình gửi đồ trong ga cũng là một công cuộc khó khăn. Nếu không phải là người có vấn đề rất lớn về Dejavu thì chắc coi như vô vọng vì hoàn toàn không có chút thông ti gì ngoài cái mã tủ gửi đồ (cười!).

Giấc ngủ ập đến chừng hơn 12 giờ, sau khi đã xoa bóp cho chân bớp kêu gào, hôm nay chắc là ngày đi bộ nhiều nhất trong cả chuyến đi thật rồi.

Nara – Phật Giáo và Thiên nhiên

Nếu ở Kyoto, hơi hướng Phật Giáo chưa được cảm nhận rõ ràng, thì ở Nara này, người ta mới hiểu được rằng Phật Giáo cũng là một phần văn hóa của Nhật Bản. Mình thật không dám khẳng định chắc chắn vùng đất này liệu có phải là nơi khởi nguồn, mà từ đó Đạo Phật lan rộng ra toàn Nhật Bản, nhưng có lẽ qua những ngôi chùa, những mảnh đất mình đặt chân đến thì Nara chính là nơi cho mình cảm giác Phật Giáo nhất.

Những ngôi chùa cổ kính, những bức tượng Phật cao lớn, những chú sư tử đá trấn giữ trước cổng,.. hiện thân cho một thời kỳ Phật Giáo hưng thịnh tại nơi này. Những ngôi chùa như Toudai, Yakushi vẫn đứng ở đó qua bao năm, vẫn đem lại đức tin to lớn và sư bình tâm đến lạ thường cho những du khách viếng thăm nơi đây.

org_dsc00453

org_dsc00452

Đan xen giữa những kiến trúc Phật Giáo, khung cảnh thiên nhiên ở công viên Nara cũng rất tuyệt vời. Nara là vùng đất nổi tiếng về loài Hươu, nơi chúng được tự do thoải mái lang thang trong khuôn viên của Công viên Nara, thậm chí còn có mấy “em” ham chơi mà đi khá xa ra gần mặt đường chính.

org_dsc00439

Có lẽ do quá quen thuộc với du khách mà các “em” Hươu không hề ngượng ngùng chút nào, thậm chí còn có phần bạo dạn ra “xin ăn” mấy vị khách. Mà các du khách cũng rất thích thú trước sự đeo bám nhiệt liệt của mấy “em” ấy, luôn gạ gẫm quay phim chụp hình bằng mọi cách. Đây chính là điểm nhấn sâu đậm nhất về vùng đất Nara – nơi thiên nhiên và tôn giáo dường như được tôn vinh, trở thành biểu tượng.

Hành trình thăm quan kết thúc lúc 2 giờ chiều, quay trở lại ga và lên đường về nhà. Cho đến khi nghe được thông báo quen thuộc 【まもなく、愛甲石田、愛甲石田です】 thì mới như hồi sinh lại vậy.

Chuyến đi quá mệt mỏi với những chấn thương liên tiếp ở chân và bị lạc tàu, lạc đường, cộng với cái lạnh mỗi khi tàu mở cửa ở vùng Chuubu và cả sự khó chịu trên chuyến tàu JR có hệ thống sưởi ở ghế quá mức cho phép. Điều này làm mình suy nghĩ nhiều về việc năm sau có nên thực hiện một chuyến đi như vậy, nhưng xa hơn đến tận Kyuushuu hay không nữa.Thôi cũng là câu chuyện của cuối năm nay đầu năm sau, giờ thì cứ tận hưởng cái ấm áp và mùi hương quen thuộc đã.

Tạm biệt Kansai, sẽ còn nhiều điều và cơ hội gặp lại. Thân!

***

GÓC THỐNG KÊ : 

Trong suốt hành trình 5 ngày vừa qua, tính theo quãng đường di chuyển bằng tàu thì sơ sơ cũng được tầm 1800km, và tổng thời gian vật vờ trên tàu cũng loanh quanh con số 40 giờ đồng hồ. Về mặt đi bộ, theo báo cáo không chính thức của điện thoại là 74.8km, có nghĩa là trung bình mỗi ngày cuốc bộ 14.96km. Đỉnh điểm là ngày ở Oosaka khi phải đi bộ 18.2km và 1/3 trong số đó là khi chân phải đã bị trẹo. Đây cũng là lần đầu mình bị chuột rút hay đại loại cái gì đó rất đau ở chân phải, đến mức đang ngủ phải bật dậy rồi lăn lộn trong khách sạn ở Nagoya. Thế mới thấy được rằng có lẽ chấn thương hồi cấp ba ở chân này chắc sẽ không bao giờ khỏi được mất :((.

Riêng với việc chi tiêu, chuyến đi đã không khiến mình tốn kém như dự kiến ban đầu, cũng phần vì mình đã không ăn “sang choảnh” như suy tính mà đồ ăn ở những nơi mình đến, dù là địa điểm du lịch nhưng cũng không quá đắt (dù đã có tiêu chí cứ quán to, hay đông khách là chui vào). Nếu tính cả tiền mua vé tàu và các loại vé thăm quan, áng chừng 70.000 Yên (dự kiến ban đầu là 100.000 Yên – xem ra mới đầu năm đã chi tiêu tiết kiệm đi rồi :p ).

Chuyến đi có những kỷ niệm vui buồn, những sai sót đến mức ngớ ngẩn và những câu chuyện mình không hề kể ra đây. Nhưng tuyệt vời nhất là mình đã chọn cho những nhân vật trong truyện của mình những “ngôi nhà”, những “câu chuyện”, những “sự bắt đầu và kết thúc”… Và cái nhìn thất thần trên chuyến tàu ngày bão tuyết hôm ấy, hẳn sẽ có lúc là một câu chuyện đẹp!

7 bình luận về “Thanh Xuân 18 [3] – Hành trình Kansai

Bình luận về bài viết này